0983 102 258 duhocvietphap@gmail.com
0983 102 258 duhocvietphap@gmail.com
HỆ THỐNG MÉTRO CỦA PARIS - BIỂU TƯỢNG CỦA KINH ĐÔ ÁNH SÁNG

HỆ THỐNG MÉTRO CỦA PARIS – BIỂU TƯỢNG CỦA KINH ĐÔ ÁNH SÁNG

(Việt Pháp Á Âu) – Paris nổi tiếng là thành phố có mật độ đi lại cao, đồng thời có một mạng lưới giao thông công cộng thuận tiện. Những ai đã từng học tập, sống và làm việc tại Paris, đều không thể không sử dụng Métro. Hệ thống Métro Paris và vùng phụ cận hiện được đánh giá là nổi tiếng nhất thế giới, sánh ngang với thủ đô Luân Đôn và thành phố New York.

Hệ thống Métropolitain của Paris thuộc Công ty quản lý giao thông công cộng Paris (Régie autonome des transports parisiens-RATP) chính thức được đưa vào sử dụng ngày 19 tháng 7 năm 1900 và phát triển cho đến ngày nay. Gắn liền với cuộc sống của những người đã và đang đặt chân đến Paris hơn 1 thế kỷ qua, không thể phủ nhận rằng hệ thống Métro ở Paris là một nét văn hóa đặc trưng của nước Pháp và là một trong những công trình mang tính biểu tượng của kinh đô ánh sáng thế giới.

I. LỊCH SỬ XÂY DỰNG HỆ THỐNG MÉTRO Ở PARIS

Vào năm 1863, tuyến đường Métro đầu tiên trên thế giới được đưa vào sử dụng ở thành phố Luân Đôn. Sau 3 năm, New-York là thành phố tiếp theo sử dụng Métro, tiếp theo đó là Chicago năm 1892 và Budapest năm 1896.

Sau nhiều năm tranh luận giữa Nhà nước và chính quyền thành phố Paris, năm 1895, kỹ sư cầu đường người Bretagne Fulgence Bienvenüe là người chịu trách nhiệm khởi công công trình Métro ở thủ đô của Pháp. Paris sẽ có một hệ thống giao thông nội thành hoàn chỉnh để chuẩn bị trưng bày tại Triển lãm toàn cầu năm 1900 và sẽ mở rộng thêm 6 tuyến vào năm 1911. Chính vì thế, đường Métro là một trong những công trình quan trọng bậc nhất đánh dấu cột mốc bước vào thời kỳ hiện đại của thành phố Paris, nối tiếp sau Luân Đôn, New-York.

Tuyến đường số 1 nối giữa Ga Maillot và Ga Vincennes được khai trương ngày 19 tháng 7 năm 1900, muộn tầm 3 tháng so với dự kiến. Trong vòng 5 tháng đầu tiên, số lượng khách đã sử dụng Métro ở Paris là 4 triệu người, đây là một con số gây chấn động vào lúc bấy giờ. Tiếp theo, các tuyến số 2, 3, 5, 4… dần được đưa vào sử dụng.

Fulgence Bienvenüe qua đời vào năm 1936. Để tưởng nhớ ngài kỹ sư gốc Bretagne, người đã có công đảm nhận và thi hành công trình mang tính biểu tượng của Paris, tên của ông đã được đặt cho trạm Métro Ga Montparnasse nối liền Paris và Bretagne 

II. MẠNG LƯỚI MÉTRO Ở PARIS

Hệ thống Métro Paris ngày nay có tổng cộng 16 tuyến, được sắp xếp theo thứ tự từ 1-16 với tổng chiều dài 214 km đường ray, có tối thiểu 4,5 triệu lượt khách mỗi ngày, hàng năm có khoảng 1,4 tỷ lượt người sử dụng.

Vé Métro xuất hiện ngay từ khi tuyến số 1 đi vào hoạt động. 30.000 vé đã được bán ra ngày ngày đầu tiên sử dụng với mức giá 15 xu/vé hạng hai. Chỉ riêng năm 1900, 17 triệu lượt khách đã sử dụng tuyến đường này. Trước khi hệ thống kiểm tra vé tự động được đưa vào sử dụng năm 1973, tại lối vào tàu điện luôn có nhân viên soát vé đứng ở cửa để bấm vé. 

Do đặc điểm địa chất không thuần nhất của Paris nên các đường Métro thường nằm khá sát mặt đất, độ sâu trung bình là từ 4 đến 12 mét. Trừ các tuyến chạy ngầm dưới các ngọn đồi của Paris như Montmartre, Ménilmontant, một số bến còn có độ sâu tới gần 32 mét, như dưới lòng đồi Chaumont (Buttes Chaumont), ở quận 19, phía bắc Paris. Đây là lý do khiến các tuyến Métro Paris phải xây dựng dọc theo các trục đường chính làm cho một số tuyến chạy khá ngoằn ngoèo. 

Từ đường số 1 tới 11 là do thành phố Paris xây dựng. Các tuyến 12 và 13 là do tư nhân đầu tư, đó là kỹ sư Berlier. Có thể dễ dàng nhận ra được các tuyến đường của ông nhờ những dấu hiệu sau: Khung viền của các tấm quảng cáo lớn gắn trên tường được lát bằng gạch men nâu, điểm xuyết một vài viên gạch có chữ N và chữ S lồng vào nhau để đánh dấu tuyến đường Bắc (Nord) Nam (Sud). 

Để đảm bảo việc đi lại của người dân Paris được thuận tiện nhất, Métro Paris ở nội thành có các trạm dừng ở rất gần nhau. Khoảng cách trung bình giữa 2 bến là 548m, riêng tuyến 13 là 325 m, còn tuyến 14 là 1 km, tất cả tạo thành một mạng lưới dạng bàn cờ xếp sát nhau phía dưới lòng thành phố. 

III. VĂN HOÁ VÀ LỊCH SỬ PHÁP ĐƯỢC TÁI HIỆN TẠI CÁC TRẠM DỪNG MÉTRO 

Năm 1968, André Malraux, một nhà văn và là một chính trị gia, phụ trách về lĩnh vực văn hoá của chính phủ đã cho ra đời ý tưởng “bến tàu văn hoá”. Các trạm Métro từ lúc lúc đó đã được tân trang, không còn chỉ là những nhà ga thông thường, mà còn là nơi tái hiện lịch sử, văn hóa của Paris và nước Pháp.

Lấy cảm hứng từ cách trang trí của Bảo tàng Nghệ thuật và Nghề nghiệp (Musée des Arts et Métiers), Bến Arts et Métiers trên tuyến 11 chuyên trưng bày các loại hình sáng tạo kỹ thuật và công nghệ. Trạm dừng này hoàn toàn được lát bằng ván đồng ghép chặt với nhau bằng đinh tán và được trang trí với những mô hình cửa tàu ngầm Nautilus lấy cảm hứng từ phim 20 vạn dặm dưới đáy biển của Jules Verne.

Trên bức tường của bến Concorde, trên đường 12 là bản Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền, khai sinh nước Cộng hoà Pháp. Mỗi viên gạch lát ghi một chữ cái và không hề có một dấu chấm hay dấu phẩy nào.

Trạm Bastille trên tuyến số 5 được trang trí bằng những phù điêu thuật lại những sự kiện quan trọng của cuộc Cách mạng Pháp, từ thời kỳ bắt đầu cho tới ngày cướp ngục Bastille. Ngoài ra, tại khu vực này còn lưu lại một số vết tích thành cổ.

Ngày nay có ít nhất hai bến ma (bến Métro không còn được sử dụng), một bến có tên là Porte Molitor và một bến khác tên là Haxo. Một bến ma khác, Saint-Martin, đã bị đóng cửa vì nó chỉ cách điểm dừng tiếp theo 100 mét (Strasbourg Saint-Denis). Tuy nhiên người dân vẫn có thể đi vào trên Đại lộ Saint-Martin. Bây giờ nơi đây đã trở thành nơi trú ẩn của người vô gia cư.

—————————————————————————————————————-

Để được tư vấn về du học Pháp, xin học bổng du học Pháp và học tiếng Pháp, mời các bạn  liên lạc với Việt Pháp Á Âu thông qua địa chỉ liên hệ sau:

CÔNG TY TƯ VẤN GIÁO DỤC VÀ PHÁT TRIỂN HỘI NHẬP VIỆT PHÁP Á ÂU

Hotline     : 0983 102 258
Email       :  duhocvietphap@gmail.com
FanPage :   www.facebook.com/duhocvietphapaau/
Địa chỉ    :   Phòng 1702, Tòa nhà A1, Đường Nguyễn Cơ Thạch, Mỹ Đình, Nam Từ Liêm, Hà Nội

Leave a Reply

0983 102 258