(Viêt Pháp Á Âu) – Visa Pháp (thị thực), (titre de séjour) thẻ cư trú tại Pháp là những giấy tờ mà bất kì du học sinh Việt Nam nào cũng phải có khi sinh sống và học tập tại Pháp. Có rất nhiều loại thị thực và thẻ cư trú khác nhau tuỳ thuộc vào từng đối tượng du học sinh, và chắc hẳn nhiều bạn vẫn đang khá mông lung không hiểu rõ cụ thể từng loại. Trong bài viết này, Việt Pháp Á Âu sẽ giúp bạn phân biệt từng loại thị thực và thẻ cư trú cho du học sinh Việt Nam tại Pháp các bạn nhé. Cùng tìm hiểu nào!
Xem thêm
3 ĐIỀU CẦN BIẾT VỀ PHÍ HỌC ĐƯỜNG CVEC – DU HỌC PHÁP
CARTE VITALE – THẺ BẢO HIỂM XÃ HỘI CHO SINH VIÊN TẠI PHÁP
HỌC DỰ BỊ TIẾNG TẠI PHÁP VÀ ĐIỀU KIỆN XIN VISA
I. CÁC LOẠI THỊ THỰC DU HỌC PHÁP (VISA)
Để sang Pháp du học, tất cả sinh viên Việt Nam hoặc sinh viên nước ngoài đang sinh sống tại Việt Nam cần phải xin thị thực dài hạn (VLS) nếu thời gian lưu trú trên 3 tháng. Hồ sơ xin thị thực được nộp tại bộ phận TLS Contact tại Hà Nội hoặc tp Hồ Chí Minh. Quy trình Etudes en France (EEF) là một bước bắt buộc trước khi xin thị thực cho sinh viên. Vậy có những loại thị thực du học Pháp nào ?
1. THỊ THỰC DÀI HẠN SINH VIÊN – VLS TS
Để theo học một chương trình có thời hạn trên 6 tháng tại một trường Đại học ở Pháp, sinh viên cần xin thị thực dài hạn (VLS-TS). Thị thực này sẽ có giá trị như thẻ lưu trú trong khoảng thời gian có hiệu lực. Việc xác nhận visa VLS-TS có giá trị như Thẻ cư trú sẽ được thực hiện trực tuyến qua trang web của Tổng cục quản lí người nước ngoài tại Pháp.
Sau khi đến Pháp, sinh viên cần thực hiện quy trình xin visa trong vòng 3 tháng đầu tiên. Trước đó, sinh viên cần phải có một tài khoản ngân hàng và một địa chỉ cư trú cố định. Việc này sẽ tốn một khoảng thời gian nhất định tùy từng trường hợp. Sau khi hoàn thành thủ tục, chỉ mất vài phút trên trang web để xác nhận visa.
Ghi chú: Đối với các bạn sinh viên chưa đủ 18 tuổi và trên Visa có ghi (Loại Visa: Mineur Scolarisé hoặc Étudiant), các bạn sẽ không phải làm thủ tục xác nhận Visa sinh viên dài hạn trực tuyển như trên. Thay vào đó, ngay khi gần đủ 18 tuổi, các bạn sẽ phải đặt hẹn trực tiếp với Préfecture (Cơ quan cảnh sát) của thành phố để tiến hành xin trực tiếp thẻ cư trú lần đầu (titre de séjour).
Xem thêm
NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT KHI MỚI ĐẾN PHÁP
XÁC NHẬN VISA SINH VIÊN DÀI HẠN – THỦ TỤC CƯ TRÚ BẮT BUỘC KHI ĐẾN PHÁP
2. THỊ THỰC DÀI HẠN TẠM THỜI – VISA LONG SÉJOUR TEMPORAIRE (VLS-T)
Thủ tục VLS-T này áp dụng cho sinh viên học một học kỳ tiếng Pháp hoặc một học kỳ trao đổi tại một trường Đại học Pháp có thời hạn từ 4 – 12 tháng.
Không giống như visa dài hạn có giá trị như thẻ lưu trú dài hạn (VLS-TS), VLS-T không cho phép:
- Làm việc trong suốt thời gian học tập;
- Hưởng lợi từ VISALE – đặt cọc nhà cho sinh viên;
- Nhận được trợ cấp thuê nhà (CAF)
- Gia hạn thời gian lưu trú sau khi visa hết hạn. Bạn buộc phải rời khỏi lãnh thổ Pháp sau khi hết hạn lưu trú
3.THỊ THỰC DÀI HẠN DÀNH CHO NGHIÊN CỨU SINH-NHÀ KHOA HỌC – VISA « PASSEPORT TALENT – CHERCHEUR » (TRÊN 3 THÁNG)
Đối với nghiên cứu sinh-nhà khoa học, cần có visa long séjour (VLS) mention « passeport talent – chercheur ». Loại thị thực này cho phép người sở hữu thực hiện các hoạt động nghiên cứu hoặc giảng dạy ở Pháp trong khuôn khổ một thoả thuận tiếp nhận của một đơn vị nghiên cứu hay cơ sở giáo dục đại học công lập hoặc tư nhân. Với thoả thuận tiếp nhận này, người sở hữu sẽ không thực hiện quy trình EEF và phải yêu cầu loại thị thực « nghiên cứu sinh-nhà khoa học ».
VLS “passeport talent – chercheur” được dành riêng cho các đối tượng như doctorants (nghiên cứu sinh), chercheurs (nhà khoa học) và enseignants-chercheurs (giảng viên – nhà khoa học). Vợ/chồng và con của những người có VLS “passeport talent – chercheur” có thể được phép đi theo đến Pháp mà không cần thực hiện quy trình theo diện đoàn tụ gia đình.
Để có được VLS “passeport talent – chercheur”, cần phải có Hợp đồng đón tiếp (convention d’accueil). Đây là một tài liệu quy định tính chất và thời hạn của các công việc được giao cho nhà nghiên cứu hoặc nghiên cứu sinh. Trong tài liệu này, cũng được chỉ định các nguồn lực, điều kiện lưu trú và bảo hiểm y tế mà người được hưởng lợi. Convention d’accueil phải được các cơ sở đón tiếp gửi đến người hưởng lợi.
Sau đó, nghiên cứu sinh hoặc nhà nghiên cứu phải làm chứng năng lực của mình bằng cách xin giấy phép từ các chính quyền lãnh sự của quốc gia cư trú của họ tại thời điểm xin visa. Thủ tục này được áp dụng nếu nhà nghiên cứu hoặc nghiên cứu sinh là nhân viên được tuyển dụng để thực hiện nghiên cứu hoặc giảng dạy và thông qua hợp đồng tiến sĩ, hợp đồng đào tạo nghiên cứu (CIFRE) hoặc các hợp đồng khác tương đương.
Bạn có thể tự do làm việc tại Pháp theo chuyên môn được quy định trong convention d’accueil, mà không cần sự đồng ý trước từ direction régionale des Entreprises, de la Concurrence, de la Consommation, du Travail et de l’Emploi (Direccte). Vợ hoặc chồng của nhà nghiên cứu hoặc nghiên cứu sinh có thể làm việc tại Pháp với loại visa dài hạn loại “passeport talent-famille”.
Khi VLS “passeport talent – chercheur” của bạn hết hạn, bạn có thể yêu cầu cấp lại giấy phép lưu trú để kéo dài thời gian lưu trú tại Pháp. Yêu cầu của bạn sẽ được giải quyết tại trụ sở của cảnh sát – préfecture. Thẻ lưu trú cấp mới sẽ chỉ có giá trị trong thời gian tương đương với thời gian có trong convention d’accueil, tối đa là 4 năm.
4. THỊ THỰC NGẮN HẠN DÀNH CHO « SINH VIÊN ĐI THI »
Loại thị thực ngắn hạn dành cho sinh viên đi thi cho phép sinh viên đến Pháp để tham gia phỏng vấn hoặc kỳ thi tuyển vào trường đại học. Ví dụ như, tham gia tuyển sinh đầu vào tại các nhạc viện của Pháp, các kì thi tuyển sinh của các chương trình đào tạo về nghệ thuật, âm nhạc, v.v…
Sau đó, sinh viên có thể được yêu cầu làm thẻ lưu trú để tiếp tục học tập tại một cơ sở giáo dục đại học nếu đỗ kỳ thi. Loại thị thực này yêu cầu sinh viên phải thực hiện quy trình EEF trước khi nộp hồ sơ xin thị thực.
5. THỊ THỰC NGẮN HẠN (DƯỚI 3 THÁNG) « VISA SCHENGEN »
Với Thị thực ngắn hạn, có ghi “Visa Schengen”, sinh viên sẽ không được phép gia hạn nếu muốn lưu trú tại Pháp.
Loại thị thực này chỉ áp dụng cho các sinh viên mong muốn theo học khóa học ngôn ngữ hoặc các khóa đào tạo ngắn hạn khác và không yêu cầu thực hiện quy trình Études en France của Campus France.
Thị thực này không thể được chuyển đổi thành thị thực sinh viên, dù ở Pháp hay tại bất kỳ quốc gia Liên Minh châu Âu nào. Do đó sinh viên buộc phải rời khỏi lãnh thổ Pháp sau khi hết hiệu thực của thị thực.
II. CÁC LOẠI THẺ CƯ TRÚ CỦA DU HỌC SINH PHÁP
1. THẺ CƯ TRÚ “SINH VIÊN” – TITRE DE SÉJOUR ÉTUDIANT
Nếu bạn đang là du học sinh (étudiant) ở Pháp để theo học và giấy phép cư trú (visa sinh viên hay thẻ cư trú) của bạn sắp hết hạn, đừng lo lắng! Bạn có thể yêu cầu gia hạn giấy phép cư trú của mình để tiếp tục học tập một cách hợp pháp. Việc này có thể được thực hiện trực tuyến, trên nền tảng quốc gia ANEF-séjour. Tuy nhiên, bạn cần lưu ý rằng thời hạn để yêu cầu gia hạn là ba tháng trước khi giấy phép cư trú của bạn hết hạn.
Có hai loại giấy tờ cư trú mà bạn có thể gia hạn: Thị thực dài hạn tương đương với thẻ cư trú (VLS-TS) và thẻ cư trú nhiều năm (titre de séjour pluriannuel).
- Nếu bạn đang sở hữu thị thực VLS-TS, bạn có thể yêu cầu làm thẻ cư trú. Trong trường hợp này, thẻ cư trú sẽ có giá trị tương đương với số năm còn lại trong chương trình học mà bạn đã đăng ký. Ví dụ, bạn đang là sinh viên cử nhân năm 1 (L1), bạn có thể yêu cầu làm thẻ cư trú lần đầu, thẻ cư trú này sẽ kéo dài 2 năm để hoàn thành nốt L2 và L3. Tương tự, nếu bạn là sinh viên năm 1 thạc sĩ (M1), bạn có thể yêu cầu thẻ cư trú 1 năm đề hoàn thành nốt M2.
- Nếu bạn đang sở hữu thẻ cư trú nhiều năm, bạn cũng có thể yêu cầu gia hạn. Thẻ mới sẽ có thời hạn hiệu lực tương ứng với số năm trong chu kỳ học tập tiếp theo mà bạn sẽ đăng ký. Ví dụ, bạn đã có thẻ cư trú 2 năm để học L2 và L3, giờ bạn muốn xin gia hạn thẻ để học tiếp lên master (2 năm). Bạn sẽ được gia hạn tối đa cho 2 năm.
Các tài liệu dùng để nộp hồ sơ xin gia hạn thẻ cư trú hay làm thẻ cư trú lần đầu bao gồm: hộ chiếu và thẻ cư trú, bản trích lục giấy khai sinh, giấy chứng nhận đăng ký cho năm tiếp theo, bảng điểm trong năm qua, tài liệu xác nhận về nguồn tài chính của bạn, chứng minh nơi cư trú trong 3 tháng gần đây, bằng chứng về bảo hiểm y tế và 3 bức ảnh thẻ.
Một số cơ sở giáo dục đại học có hệ thống tiếp nhận và hỗ trợ sinh viên nước ngoài. Bạn có thể tìm thấy sự trợ giúp ở đó cho các thủ tục gia hạn thẻ cư trú của bạn. Cụ thể, 1 bộ phận của Préfecture sẽ tổ chức các buổi riêng để làm thẻ cư trú sinh viên cho các du học sinh.
Lưu ý : Đối với du học sinh sở hữu thẻ cư trú sinh viên (titre de séjour étudiant), các bạn sẽ không được phép làm việc (việc làm thêm) quá 60% số giờ đi làm tối thiểu quy định của người lao động ở Pháp (tương đương với 20h/tuần).
2. THẺ CƯ TRÚ “TÌM KIẾM VIỆC LÀM /THÀNH LẬP DOANH NGHIỆP” – TITRE DE SÉJOUR “RECHERCHE D’EMPLOI/ CRÉATION D’ENTREPRISE”
Nếu bạn là một sinh viên quốc tế đang học tại Pháp và muốn ở lại đất nước này sau khi hoàn thành chương trình đào tạo của mình để tìm kiếm việc làm hoặc khởi nghiệp, thì thẻ cư trú tạm thời “tìm kiếm việc làm / thành lập doanh nghiệp” – autorisation provisoire de séjour có thể là giải pháp cho bạn. Với thẻ này, bạn có thể ở lại Pháp trong vòng 12 tháng để tìm kiếm công việc liên quan đến chương trình học hoặc chuẩn bị khởi nghiệp doanh nghiệp của riêng mình.
Đối tượng :
- Sinh viên quốc tế ở Pháp và đã có một trong các văn bằng giáo dục đại học sau đây của Pháp, bao gồm cử nhân chuyên ngành, bằng thạc sĩ hoặc tương đương, bằng thạc sĩ chuyên ngành hoặc bằng thạc sĩ khoa học (MSc) chứng nhận bởi Hiệp hội các Trường lớn (Grande École), thì bạn có thể xin thẻ cư trú này.
- Các nghiên cứu sinh đã hoàn thành công việc của họ cũng có thể làm đơn xin giấy phép cư trú này.
Để xin thẻ cư trú, bạn cần đáp ứng các điều kiện cụ thể, bao gồm có bằng cấp hoàn thành và tài chính đủ để trang trải chi phí sinh hoạt.
Nếu bạn là sinh viên quốc tế vừa nhận bằng, bạn cần đem các tài liệu sau đây đến préfecture: hộ chiếu, giấy khai sinh, 3 ảnh, thẻ cư trú “étudiant” (hoặc “étudiant-programme mobilité”) còn hiệu lực, bằng bạn đã nhận được trong năm hoặc xác nhận tốt nghiệp của hội đồng, giấy chứng nhận bảo hiểm y tế, giấy chứng nhận kế hoạch thành lập doanh nghiệp trong một lĩnh vực liên quan đến chương trình đào tạo của bạn (nếu đây là mục tiêu của bạn) và giấy chứng nhận chỗ ở trong vòng 3 tháng trở lại (hóa đơn tiền nhà/ điện/ nước/ga..).
Nếu bạn đang nghiên cứu tại Pháp với thẻ cư trú “nghiên cứu sinh” và đã hoàn thành các công việc nghiên cứu của mình, bạn cũng có thể làm đơn xin giấy phép cư trú “tìm kiếm việc làm / thành lập doanh nghiệp” để tiếp tục ở lại Pháp tìm kiếm việc làm hoặc khởi nghiệp.
LƯU Ý: Sau khi đã có thẻ cư trú “tìm việc” này, bạn sẽ không thể quay lại thẻ cư trú “sinh viên” mà buộc phải tìm được việc tại Pháp để chuyển sang titre salarié (thẻ cư trú cho người đi làm), nếu không sẽ buộc phải rời khỏi Pháp.
Để có thể ở lại Pháp làm việc, công việc bạn tìm được phải thoả mãn những điều kiện sau:
- Công việc phải liên quan với chương trình đào tạo hoặc nghiên cứu với mức thù lao ít nhất bằng 1,5 lần mức lương tối thiểu, tức là € 2.281,82 / tháng.
- Hoặc nếu bạn muốn khởi nghiệp, bạn cần chuẩn bị hồ sơ thành lập một doanh nghiệp trong một lĩnh vực liên quan với chương trình đào tạo hoặc nghiên cứu của mình.
Để tổng kết, thẻ cư trú tạm thời “tìm kiếm việc làm / thành lập doanh nghiệp” là một lựa chọn hữu ích cho các sinh viên quốc tế muốn ở lại Pháp để tìm kiếm việc làm hoặc khởi nghiệp sau khi hoàn thành chương trình đào tạo của mình. Hãy đảm bảo rằng bạn đáp ứng đủ các điều kiện và chuẩn bị đầy đủ các giấy tờ cần thiết trước khi nộp đơn xin thẻ cư trú này để tăng khả năng được cấp thẻ thành công.
Xem thêm
CHI PHÍ VÀ HỌC PHÍ DU HỌC PHÁP CẦN BAO NHIÊU TIỀN
QUY TRÌNH 7 BƯỚC LÀM HỒ SƠ DU HỌC PHÁP
Trên đây là một số thông tin cơ bản về Visa Pháp (thị thực), (titre de séjour) thẻ cư trú tại Pháp – những giấy tờ mà bất kì du học sinh Việt Nam nào cũng phải có khi sinh sống và học tập tại Pháp. Hy vọng sẽ giúp bạn có một sự chuẩn bị kĩ càng cho kế hoạch học tập và làm việc của mình tại Pháp sau này. Việt Pháp Á Âu chúc các bạn thành công.
Nguồn tham khảo : Campusfrance.org, Ministère de l’Intérieur, Service Public (de France)
Thanh Quân (Tổng hợp)
—————————————————————————————————————
Để được tư vấn về du học Pháp, xin học bổng du học Pháp và học tiếng Pháp, mời các bạn liên lạc với Việt Pháp Á Âu thông qua địa chỉ liên hệ sau:
CÔNG TY TƯ VẤN GIÁO DỤC VÀ PHÁT TRIỂN HỘI NHẬP VIỆT PHÁP Á ÂU
Hotline : 0983 102 258
Email : duhocvietphap@gmail.com
FanPage : www.facebook.com/duhocvietphapaau/
Địa chỉ : Phòng 1702, Tòa nhà A1, Đường Nguyễn Cơ Thạch, Mỹ Đình, Nam Từ Liêm, Hà Nội