0983 102 258 duhocvietphap@gmail.com
0983 102 258 duhocvietphap@gmail.com
Du học Pháp ngành Nha Khoa

Du học Pháp ngành nha khoa: Điều kiện & Lộ trình học tập chi tiết

(Việt Pháp Á Âu) – Bạn mơ ước trở thành nha sĩ quốc tế và học tập trong môi trường chuyên nghiệp, hiện đại? Pháp – cái nôi của nền y học châu Âu – chính là điểm đến lý tưởng để bạn hiện thực hóa hành trình đó. Du học Pháp ngành nha khoa với lộ trình đào tạo bài bản, bằng cấp giá trị toàn cầu và cơ hội nghề nghiệp rộng mở đang thu hút ngày càng nhiều sinh viên quốc tế. Cùng Việt Pháp Á Âu khám phá toàn bộ hành trình du học nha khoa tại Pháp trong bài viết dưới đây nhé!

I. Giới thiệu tổng quan về du học Pháp ngành nha khoa

Pháp từ lâu đã được biết đến là một trong những quốc gia có nền giáo dục y dược hàng đầu châu Âu và thế giới. Hệ thống đào tạo y dược tại đây không chỉ chú trọng lý thuyết chuyên sâu mà còn đề cao thực hành lâm sàng và đạo đức nghề nghiệp. Sinh viên được tiếp cận với các trang thiết bị hiện đại, chương trình đào tạo cập nhật và cơ hội thực tập tại các bệnh viện công lập danh tiếng.

Trong lĩnh vực y dược, ngành nha khoa nổi bật là một trong những chuyên ngành có tính ứng dụng cao và nhu cầu nhân lực ổn định. Du học ngành nha khoa tại Pháp mang đến cho sinh viên quốc tế cơ hội học tập chuyên sâu về răng – hàm – mặt, kết hợp giữa lý thuyết và thực hành, từ đó xây dựng nền tảng vững chắc để trở thành bác sĩ nha khoa chuyên nghiệp. Không chỉ được học tập với chi phí rất thấp tại các trường công lập, sinh viên còn có cơ hội phát triển sự nghiệp lâu dài tại Pháp hoặc các quốc gia khác trong khối Châu Âu.

Du học Pháp ngành Nha Khoa
Du học Pháp ngành Nha khoa được nhiều du học sinh lựa chọn

II. Lộ trình du học ngành nha khoa tại Pháp

1. Giai đoạn 1: 3 Năm đầu

Năm 1: PASS (Parcours d’Accès Spécifique Santé) và LAS (Licence d’Accès Santé)

PASS (Parcours Accès Santé) là chương trình năm nhất bậc Cử nhân dành riêng cho các ngành y, dược, nha khoa và hộ sinh (gọi tắt là MMOP). Sinh viên theo học chương trình này sẽ lựa chọn một trong bốn chuyên ngành nói trên và phải vượt qua kỳ thi đầu vào chuyên biệt tương ứng để đủ điều kiện tiếp tục học lên năm thứ hai.

Chương trình PASS được giảng dạy tại các Khoa hoặc Đơn vị Đào tạo và Nghiên cứu (UFR) về y học, nha khoa, dược học hoặc hộ sinh trực thuộc các trường đại học tổng hợp tại Pháp.

L.AS (Licence Accès Santé) là lộ trình khác ở bậc Cử nhân, cho phép sinh viên thuộc nhiều khối ngành khác nhau tiếp cận các ngành liên quan đến lĩnh vực sức khỏe. Ngay từ năm đầu, sinh viên sẽ học các môn nền tảng kết hợp giữa chuyên ngành chính và các học phần liên quan đến y học.

Sau khi hoàn thành ít nhất 60 đến 120 tín chỉ ECTS (theo hệ thống tín chỉ Châu Âu), bao gồm tối thiểu 10 tín chỉ thuộc lĩnh vực sức khỏe, sinh viên có thể nộp đơn xét tuyển vào năm thứ hai hoặc ba của chương trình đào tạo các ngành y, dược, nha và hộ sinh. Việc tuyển chọn được tiến hành dựa trên kết quả học tập tại PASS hoặc L.AS, kèm theo một bài kiểm tra vấn đáp.

Năm 2: Giai đoạn đào tạo Nha khoa (DFGSO2)

Từ năm hai trở đi, sinh viên sẽ được tiếp cận nhiều hơn với thực hành chuyên môn, bắt đầu bằng thực tập điều dưỡng kéo dài khoảng 4 tuần, nơi họ trực tiếp chăm sóc bệnh nhân, học các kỹ thuật sơ cứu và làm việc trong môi trường y tế thực tế với vai trò quan sát viên.

Năm 3: (DFGSO3 – Diplôme de Formation Générale en Sciences Odontologiques)

Song song đó, sinh viên tiếp tục nghiên cứu chuyên sâu các học phần như Giải phẫu – Sinh lý học, X quang lâm sàng, Dược lý học, các bệnh lý viêm và truyền nhiễm, bệnh nha chu, chức năng tiêu hóa và sinh lý bệnh vùng răng – hàm – mặt.

2. Giai đoạn 2: Đào tạo nâng cao (2 năm)

Năm 4: DFASO 1 – Diplôme de Formation Approfondie en Sciences Odontologiques 1

Từ năm thứ tư trở đi, sinh viên theo học ngành Nha khoa sẽ có quy chế là sinh viên ngoại trú (statut d’externe).

Ở giai đoạn hai của chương trình đào tạo, các kiến thức nền tảng sẽ tiếp tục được nâng cao, đồng thời bổ sung thêm những học phần chuyên biệt như sức khỏe cộng đồng nha khoa, nha khoa pháp y và gây mê. Sinh viên ngành Bác sĩ nha khoa sẽ bắt đầu vận dụng kiến thức lý thuyết vào thực tế, thông qua các buổi sơ cứu và chăm sóc bệnh nhân trong môi trường lâm sàng. Ngoài ra, các buổi thực hành mô phỏng sẽ giúp sinh viên làm quen với các thiết bị chỉnh nha, kỹ thuật thao tác, cũng như từng bước thực hiện một ca phẫu thuật nha khoa.

Từ năm 4 trở đi, sinh viên sẽ trải qua nhiều đợt thực tập tại các phòng khám chuyên ngành hoặc các khoa nha thuộc các bệnh viện đại học (CHU – Centre Hospitalier Universitaire) liên kết với trường, giúp họ tích lũy kinh nghiệm thực tế trong suốt quá trình học.

Năm 5: DFASO 2

Sau khi hoàn thành năm thứ năm chương trình đào tạo, sinh viên sẽ được cấp Chứng chỉ Tổng hợp Lâm sàng và Điều trị (CSCT – Certificat de Synthèse Clinique et Thérapeutique). Bên cạnh đó, họ còn nhận được Văn bằng Đào tạo Nâng cao về Khoa học Nha khoa (DFASO – Diplôme de Formation Approfondie en Sciences Odontologiques), tương đương trình độ Thạc sĩ.

Với văn bằng này, sinh viên đủ điều kiện kê đơn thuốc và các sản phẩm chăm sóc sức khỏe răng miệng, có thể thực hiện các thủ thuật phẫu thuật nha khoa và tham gia các hoạt động chuyên môn với vai trò là trợ lý bác sĩ trong một số môi trường lâm sàng.

3. Giai đoạn 3: Ngoại trú chuyên khoa – Nội trú nha khoa

Ngoại trú chuyên khoa (1 năm)

Đây là lựa chọn phổ biến của khoảng 90% sinh viên sau khi hoàn thành năm thứ 5. Chương trình kéo dài một năm, tương đương năm học thứ 6, được gọi là DFTCC. Trong giai đoạn này, sinh viên sẽ được tiếp cận trực tiếp và toàn diện với bệnh nhân, đồng thời trau dồi kỹ năng thực hành nhằm chuẩn bị cho việc hành nghề độc lập trong tương lai.

Kết thúc năm học DFTCC, sinh viên phải đăng ký làm luận án thực hành (thèse d’exercice). Việc bảo vệ luận án được tổ chức từ tháng 10 đến tháng 6, hoặc từ tháng 9 đến cuối tháng 10 năm kế tiếp. Khi hoàn tất bảo vệ thành công, sinh viên sẽ được cấp Văn bằng quốc gia Bác sĩ phẫu thuật nha khoa (Diplôme d’État de Docteur en Chirurgie Dentaire – DE).

Nội trú nha khoa (3 – 4 năm)

Chương trình nội trú nha khoa (3e cycle long) có thời gian đào tạo từ 3 đến 4 năm, tập trung chuyên sâu vào một lĩnh vực cụ thể trong nha khoa. Trong suốt quá trình này, sinh viên nội trú vừa học tập, vừa thực hành chuyên môn tại các cơ sở y tế, và nhận được mức lương khởi điểm khoảng 1.600 euro/tháng, có thể tăng theo thời gian và thâm niên.

Sau khi vượt qua kỳ thi tuyển chọn quốc gia dành cho chương trình nội trú nha khoa, sinh viên có thể lựa chọn theo học một trong ba chuyên ngành sau:

  • Chỉnh nha (Orthopédie dento-faciale): Tập trung vào việc điều trị các sai lệch về khớp cắn và vị trí răng, cũng như các rối loạn chức năng vùng hàm mặt. Chương trình bao gồm các buổi hội thảo lý thuyết cấp quốc gia và 6 học kỳ thực hành lâm sàng (tương đương 3 năm).
  • Phẫu thuật miệng (Chirurgie orale): Chuyên thực hiện các can thiệp phẫu thuật phức tạp liên quan đến các bệnh lý vùng hàm, miệng và mặt, với nền tảng kiến thức y học vững chắc. Sinh viên sẽ tham dự các hội thảo chuyên đề quốc gia và trải qua 8 học kỳ thực tập lâm sàng (tương đương 4 năm).
  • Y học răng miệng (Médecine bucco-dentaire): Chăm sóc các bệnh nhân có tình trạng sức khỏe đặc biệt hoặc mắc các bệnh lý răng miệng nghiêm trọng, bao gồm chẩn đoán và điều trị các ảnh hưởng toàn thân đến khoang miệng. Chương trình bao gồm các hội thảo lý thuyết quốc gia và 6 học kỳ thực tập lâm sàng (tương đương 3 năm).

Kết thúc chương trình nội trú, ngoài Văn bằng quốc gia Bác sĩ phẫu thuật nha khoa (DE), sinh viên sẽ được cấp thêm Văn bằng chuyên ngành (DES – Diplôme d’Études Spécialisées) sau khi hoàn thành luận án nghiên cứu chuyên sâu và bảo vệ thành công.

Để đủ điều kiện tham gia chương trình nội trú dài hạn này, sinh viên phải vượt qua kỳ thi phân loại quốc gia TCEO1, tổ chức vào cuối học kỳ hai năm thứ năm hoặc năm thứ sáu. Đây là kỳ thi có mức độ cạnh tranh rất cao với chỉ tiêu tuyển chọn hạn chế. Dựa vào thứ hạng đạt được, sinh viên sẽ được quyền chọn chuyên ngành và đơn vị đào tạo phù hợp trong giai đoạn ba của chương trình.

Lộ trình du học Pháp ngành Nha khoa
Lộ trình du học Pháp ngành Nha khoa

III. Điều kiện và phương thức dự tuyển du học Pháp ngành nha khoa

Để theo học ngành Nha khoa tại Pháp, bước đầu tiên và quan trọng nhất là vượt qua kỳ tuyển chọn sau năm nhất của chương trình PASS hoặc năm đầu tiên của chương trình Cử nhân L.AS. Đây là điều kiện tiên quyết để được tiếp tục vào các giai đoạn đào tạo chuyên sâu hơn.

Khi muốn tiếp tục học lên giai đoạn 3 (3e cycle) – tức chương trình nội trú chuyên ngành nha khoa, sinh viên cần tham gia một trong hai kỳ tuyển sinh được tổ chức riêng biệt cho sinh viên đến từ các nước châu Âu và sinh viên ngoài châu Âu.

Hồ sơ đăng ký dự thi cần được nộp chậm nhất vào cuối tháng 3 hàng năm. Quá trình tuyển chọn gồm hai vòng:

  • Bài thi sơ tuyển (Épreuves d’Admissibilité) diễn ra vào tháng 9, được tổ chức tại Đại sứ quán Pháp (Bộ phận Hợp tác và Hoạt động Văn hóa – SCAC) hoặc tại Lãnh sự quán Pháp tại nước sở tại.
  • Bài thi chính thức (Épreuves d’Admission) được tổ chức vào tháng 12, nhằm đánh giá kiến thức chuyên sâu và năng lực chuyên môn của thí sinh.

Việc vượt qua cả hai vòng thi sẽ quyết định khả năng trúng tuyển vào chương trình nội trú nha khoa giai đoạn 3 tại Pháp.

IV. Cơ hội việc làm sau khi du học ngành nha khoa tại Pháp 

Sau khi du học ngành Nha khoa tại Pháp, sinh viên tốt nghiệp có rất nhiều cơ hội việc làm ổn định và thu nhập cao, cả tại Pháp lẫn quốc tế. 

1. Làm việc tại Pháp – Nghề nghiệp ổn định, thu nhập hấp dẫn

Mở phòng khám tư (libéral)

Sau khi nhận được Diplôme d’État de Docteur en Chirurgie Dentaire (DE) và hoàn thành luận án thực hành (thèse d’exercice), bạn có thể đăng ký hành nghề và mở phòng khám riêng tại Pháp.

Thu nhập trung bình: từ 6.000 – 12.000€ mỗi tháng, tùy khu vực và lượng bệnh nhân.

Đặc biệt ở những vùng nông thôn thiếu nhân lực y tế, chính phủ còn hỗ trợ tài chính để khuyến khích bác sĩ mở phòng khám.

Làm việc tại các trung tâm y tế công/tư

Làm việc trong bệnh viện (CHU), phòng khám cộng đồng, hoặc chuỗi trung tâm y tế tư nhân như Dentego, Doctolib,…

Có thể được tuyển dụng như một fonctionnaire (nhân viên nhà nước) nếu làm trong bệnh viện công.

Tiếp tục nội trú & làm chuyên gia

Sau chương trình nội trú (DES), bạn có thể hành nghề chuyên sâu trong các lĩnh vực như:

  • Chỉnh nha (orthodontie)
  • Phẫu thuật miệng (chirurgie orale)
  • Bệnh lý răng miệng phức tạp (médecine bucco-dentaire)

Thu nhập và vị thế xã hội rất cao, đặc biệt tại các thành phố lớn.

2. Cơ hội nghiên cứu & giảng dạy

Sau khi tốt nghiệp chương trình DES, bạn có thể tiếp tục theo hướng học thuật:

  • Làm giảng viên đại học tại các khoa Nha khoa.
  • Tham gia nghiên cứu khoa học, cộng tác với các viện nghiên cứu chuyên ngành hoặc công ty dược, sản xuất thiết bị nha khoa.
  • Tiếp tục học lên Tiến sĩ khoa học (Doctorat en Sciences Odontologiques) nếu yêu thích nghiên cứu.

3. Làm việc tại các nước khác

Văn bằng DE và DES của Pháp được công nhận tại nhiều quốc gia EU và có uy tín quốc tế, giúp bạn dễ dàng hành nghề tại:

  • Các nước châu Âu khác (sau khi làm thủ tục tương đương văn bằng).
  • Canada, các quốc gia châu Phi dùng tiếng Pháp.
  • Việt Nam: Sau khi làm thủ tục công nhận văn bằng, có thể hành nghề tại các bệnh viện quốc tế, trung tâm nha khoa cao cấp hoặc mở phòng khám tư.

4. Cơ hội khởi nghiệp & kết hợp công nghệ

Bạn có thể kết hợp kiến thức chuyên môn với công nghệ để:

  • Khởi nghiệp trong lĩnh vực thiết bị y tế, nha khoa kỹ thuật số (CAD/CAM, 3D printing…).
  • Phát triển nền tảng tư vấn/đặt lịch khám từ xa.
  • Xuất khẩu dịch vụ nha khoa chất lượng cao cho bệnh nhân quốc tế (medical tourism).

5. Thị trường việc làm – Luôn khát nhân lực

Theo số liệu từ ONISEP & Ordre National des Chirurgiens-Dentistes:

  • Tỷ lệ thất nghiệp gần như bằng 0% cho sinh viên tốt nghiệp ngành nha khoa.
  • Dự báo thiếu hụt hơn 7.000 nha sĩ tại Pháp trong vòng 10 năm tới.
  • Nhu cầu gia tăng do dân số già, nhu cầu chăm sóc thẩm mỹ nha khoa tăng mạnh.
Cơ hội việc làm sau khi du học ngành Nha khoa
Tốt nghiệp ngành Nha khoa tại Pháp du học sinh sẽ có cơ hội nghề nghiệp rộng mở

V. Bí quyết thành công khi du học ngành nha khoa tại Pháp

1. Chuẩn bị ngoại ngữ và kiến thức nền tảng

Nâng cao trình độ tiếng Pháp chuyên ngành

Bằng cấp/chứng chỉ ngoại ngữ cần thiết: Hầu hết các trường đều yêu cầu chứng chỉ DELF B2 hoặc DALF C1. Nên bắt đầu ôn luyện ít nhất 6–12 tháng trước khi nộp hồ sơ.

Tập trung vào từ vựng y khoa: Sử dụng giáo trình như “Vocabulaire médical en français” hoặc các ứng dụng như Duolingo, Anki, Quizlet để học các thuật ngữ giải phẫu, sinh lý, nha khoa cơ bản (prosthodontie, endodontie, parodontologie…).

Luyện nghe – nói trong ngữ cảnh thực tế: Tham gia câu lạc bộ trao đổi ngôn ngữ với sinh viên y dược bản ngữ, nghe podcast y khoa (ví dụ “Médecine en français facile”) và đặt mục tiêu tự tin thảo luận về ca lâm sàng đơn giản.

Ôn luyện kiến thức nền tảng khoa học cơ bản

Sinh học & giải phẫu: Xem lại kiến thức về tế bào, mô, xương – cơ quan răng hàm mặt. Tài liệu gợi ý: “Gray’s Anatomy for Students” (bản tiếng Anh nếu có thể) hoặc các sách chuyên ngành tiếng Pháp như “Anatomie topographique”.

Hóa học & sinh hóa: Nắm vững phản ứng hóa sinh trong cơ thể, cơ chế hoạt động của thuốc kháng sinh và thuốc gây mê đơn giản.

Toán – Lý cơ bản: Một số bài kiểm tra đầu vào nội trú sẽ hỏi kiến thức vật lý sóng siêu âm, tia X… Hãy ôn lại công thức và ứng dụng thực tế.

Tìm khóa học tiền ngành: Nếu bạn đến thẳng từ hệ THPT, cân nhắc tham gia khóa học dự bị y tế (prépa PASS/LAS) hoặc MOOC (Coursera, FUN-MOOC) về “Physiology” và “Fundamentals of Dentistry”.

2. Xây dựng mối quan hệ với giảng viên và đồng nghiệp

Tích cực tham gia hội thảo và gặp gỡ các giáo sư đầu ngành

Ngay từ những tuần đầu tiên của năm học, việc chủ động liên hệ và lên lịch gặp gỡ giảng viên hướng dẫn (tuteur) là một bước đi thông minh và thiết thực giúp sinh viên ngành Nha khoa sớm ổn định tâm lý, nắm vững lộ trình học và từng bước xây dựng sự chuyên nghiệp trong môi trường đại học Pháp. Cuộc gặp gỡ ban đầu này là cơ hội quý giá để sinh viên tự giới thiệu bản thân một cách chuyên nghiệp, chia sẻ về nền tảng học vấn, lý do theo đuổi ngành Nha khoa cũng như những mục tiêu cá nhân trong ngắn hạn và dài hạn.

Đây cũng là dịp để sinh viên làm rõ lộ trình học tập theo từng năm, hiểu được những cột mốc quan trọng như các kỳ thi, giai đoạn thực tập, thời điểm làm luận án và các kỹ năng cần ưu tiên phát triển. Những sinh viên tận dụng tốt cuộc gặp với tuteur thường sẽ hiểu rõ hơn về cách vận hành của hệ thống đào tạo, từ đó tránh được việc học lệch hướng hoặc quá tải do chưa biết sắp xếp lịch trình phù hợp.

Trước khi gặp tuteur, sinh viên nên soạn sẵn một danh sách các câu hỏi cụ thể liên quan đến môn học, nguồn tài liệu, định hướng nghiên cứu hoặc các cơ hội thực tập. Cách đặt vấn đề rõ ràng, ngắn gọn sẽ giúp buổi trao đổi hiệu quả hơn và để lại ấn tượng tốt trong mắt giảng viên. Ngoài ra, viết email xin hẹn một cách lịch sự, sử dụng ngôn ngữ trang trọng và thể hiện tinh thần cầu tiến sẽ giúp bạn ghi điểm ngay từ đầu.

Sau buổi gặp, việc gửi email cảm ơn kèm theo tóm tắt ngắn về những điều đã thảo luận không chỉ thể hiện sự chuyên nghiệp mà còn giúp bạn duy trì mối quan hệ lâu dài với giảng viên. Khi mối liên hệ này được nuôi dưỡng đúng cách, bạn không chỉ nhận được sự hỗ trợ học tập mà còn có thể nhờ đến giảng viên trong việc viết thư giới thiệu cho học bổng, thực tập hoặc chương trình nội trú nha khoa.

Về lâu dài, mối quan hệ tin cậy với tuteur có thể trở thành nền tảng quan trọng cho sự phát triển học thuật và nghề nghiệp của bạn, bởi giảng viên hướng dẫn không chỉ là người định hướng mà còn là cầu nối giữa bạn và các cơ hội trong ngành. Trong một lĩnh vực đòi hỏi nhiều năm đào tạo và tích lũy kinh nghiệm thực tế như Nha khoa, việc có một người đồng hành giàu chuyên môn và sẵn sàng chia sẻ chính là một lợi thế không thể thiếu.

Seminar & conférences: Chủ động đăng ký tham gia các buổi báo cáo khoa học tại UFR, đặt câu hỏi, thể hiện hứng thú nghiên cứu. Điều này giúp bạn ghi điểm và dễ dàng xin làm phụ trợ nghiên cứu (assistanat).

3. Tận dụng tối đa cơ hội thực tập để phát triển

Trong hành trình học Nha khoa tại Pháp, thực tập không chỉ là một phần bắt buộc của chương trình đào tạo mà còn là cơ hội vàng để sinh viên phát triển toàn diện về kỹ năng nghề nghiệp, tư duy lâm sàng và bản lĩnh cá nhân. Đặc biệt trong môi trường đào tạo chú trọng thực hành như tại các trường Y – Nha – Dược Pháp, việc tận dụng tốt mỗi kỳ thực tập sẽ giúp sinh viên tiến xa hơn rất nhiều so với chỉ học qua sách vở và bài giảng lý thuyết.

Ngay từ năm 2 đại học, sinh viên ngành Nha khoa đã bắt đầu được tiếp xúc với môi trường bệnh viện qua kỳ thực tập điều dưỡng. Đây là giai đoạn quan trọng để làm quen với quy trình chăm sóc người bệnh, học cách giao tiếp hiệu quả trong môi trường y tế đa ngành, và rèn luyện tính kỷ luật – phẩm chất không thể thiếu của một bác sĩ tương lai. Sang các năm sau, sinh viên sẽ thực tập tại các phòng khám nha khoa, bệnh viện đại học (CHU – Centre Hospitalier Universitaire) hoặc các đơn vị chuyên khoa, nơi họ được quan sát, hỗ trợ và từng bước đảm nhiệm các thao tác lâm sàng dưới sự giám sát của các bác sĩ chuyên môn.

Để thực sự tận dụng tối đa giá trị của các kỳ thực tập, sinh viên cần bước vào với tinh thần chủ động học hỏi, không ngại khó và luôn đặt câu hỏi đúng lúc. Một trong những sai lầm phổ biến là coi thực tập chỉ như một “nhiệm vụ” phải hoàn thành – trong khi đây thực chất là thời điểm để học nghề từ chính những tình huống thực tế, bệnh án phức tạp và từ kinh nghiệm sống động của đội ngũ y bác sĩ tại cơ sở thực hành. Việc chuẩn bị trước kiến thức nền, đọc trước các tài liệu chuyên môn liên quan đến lĩnh vực mình sắp thực tập sẽ giúp sinh viên tiếp cận vấn đề nhanh hơn, dễ gây ấn tượng tốt với người hướng dẫn và có thêm cơ hội được tham gia trực tiếp vào quy trình điều trị.

Trong quá trình thực tập, sinh viên cũng nên chú ý rèn luyện các kỹ năng mềm như làm việc nhóm, giao tiếp với bệnh nhân, xử lý tình huống lâm sàng khẩn cấp, và đặc biệt là thái độ tôn trọng, cầu thị trong môi trường chuyên môn. Đây là những phẩm chất quan trọng không thể thiếu để trở thành một bác sĩ nha khoa đáng tin cậy. Ngoài ra, sinh viên nên ghi chép cẩn thận những trải nghiệm, ca bệnh và bài học rút ra mỗi ngày – đây sẽ là kho tư liệu quý giá cho các kỳ thi, bài luận phản biện hoặc cả luận án tốt nghiệp sau này.

Đối với những sinh viên định hướng theo nội trú (internat) hoặc muốn làm việc tại các phòng khám chuyên khoa sau khi ra trường, kỳ thực tập còn là cơ hội để xây dựng mạng lưới chuyên môn (réseau professionnel), tạo dựng mối quan hệ với bác sĩ hướng dẫn, trưởng khoa, giảng viên hay các đồng nghiệp tương lai. Một thái độ nghiêm túc và tinh thần trách nhiệm trong kỳ thực tập có thể giúp bạn nhận được lời mời cộng tác sau khi tốt nghiệp – hoặc ít nhất là một lá thư giới thiệu giá trị khi ứng tuyển vào các chương trình cao học hoặc vị trí thực hành chuyên sâu.

TỔNG KẾT

Du học Pháp ngành nha khoa không chỉ là hành trình chinh phục kiến thức chuyên môn mà còn là cơ hội trải nghiệm môi trường y tế quốc tế tại một trong những cái nôi của nền y học hiện đại. Với lộ trình học tập chi tiết, rõ ràng, sinh viên sẽ được trang bị đầy đủ kỹ năng cần thiết để trở thành chuyên gia trong lĩnh vực nha khoa. Nếu bạn có thắc mắc cũng như câu hỏi về du học Pháp ngành nha khoa, hãy liên hệ với Việt Pháp Á Âu để được giải đáp chính xác và nhanh nhất nhé.

—————————————————————————————————————
Để được tư vấn về du học Pháp, xin học bổng du học Pháp và học tiếng Pháp, mời các bạn liên hệ với Việt Pháp Á Âu thông qua địa chỉ liên hệ sau:

Trung Tâm Việt Pháp Á Âu

CÔNG TY TƯ VẤN GIÁO DỤC VÀ PHÁT TRIỂN HỘI NHẬP VIỆT PHÁP Á ÂU

Hotline : 0983 102 258
Email : duhocvietphap@gmail.com
Website : vietphapaau.com
FanPage : www.facebook.com/duhocvietphapaau/
Địa chỉ :
CS1 Số 52 Phố Huy Du, P. Cầu Diễn, Nam Từ Liêm, Hà Nội
– CS2 Shophouse V7-A03 The Terra An Hưng, Hà Đông, Hà Nội