(Việt Pháp Á Âu)- Tính đến tháng 1 năm 2023, Pháp là địa điểm thu hút nhiều lượng khách du lịch nhất trên thế giới với 48,4 triệu người theo Travelness. Điều này không chỉ nhờ vẻ đẹp của các cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ hay các kiến trúc tinh tế, tráng lệ mà còn vì nét văn hoá đặc trưng và lâu đời của nước Pháp lãng mạn. Hãy cùng Việt Pháp Á Âu tìm hiểu xem những nét văn hoá này là gì qua bài viết dưới đây !
Xem thêm :
TẠI SAO BẠN NÊN CHỌN PHÁP LÀM ĐIỂM ĐẾN DU HỌC?
5 LÝ DO NÊN DU HỌC PHÁP NGÀNH DU LỊCH
I. THÁP EIFFEL
Là 1 biểu tượng của nét kiến trúc Pháp nói riêng và của thế giới nói chung, Tháp Eiffel không còn lạ lẫm đối với khách du lịch hay những người yêu thích nước Pháp. Tòa tháp này không chỉ là một trong những biểu tượng nổi tiếng nhất thế giới mà còn là kiến trúc đại diện cho sự đặc trưng cho nền văn hoá của đất nước hình lục lăng này. Năm 1884, để kỷ niệm 100 năm Cách mạng tư sản Pháp, Chính phủ Pháp đã quyết định tổ chức triển lãm Quốc tế và xây dựng một kiến trúc tháp kỷ niệm. Tháp Eiffel được thi công trong vòng 26,5 tháng, kết thúc vào năm 1889 với kỳ vọng trở thành “cái đinh của Triển lãm thế giới”.
Có thể bạn không biết, rằng tháp Eiffel không phải là tác phẩm của Gustave Eiffel, mà là của hai kỹ sư cao cấp Maurice Koechlin và Emile Nouguier. Sau khi Kiến trúc sư trưởng Stephen Sauvestre sửa chữa nhiều điểm trong bản vẽ, Gustave Eiffel hài lòng. Quyền xây dựng ngọn tháp được đăng ký với tên Eiffel cùng Koechlin và Nouguier. Rất nhanh sau đó, Gustave Eiffel mua lại quyền của hai kĩ sư này để nắm độc quyền về ngọn tháp tương lai. Và ban đầu tháp Eiffel cũng không được kỳ vọng sẽ trở thành một biểu tượng đặc trưng của văn hoá Pháp, mà với mục đích là phô trương sức mạnh của nền công nghiệp Pháp.
Tuy vậy, từ khi khánh thành tới nay, tháp Eiffel là 1 trong những công trình kiến trúc thu phí hấp dẫn du khách nhiều nhất trên thế giới với khoảng 5-7 triệu người đến mỗi năm . Nếu đi du lịch hay du học Pháp, bạn chắc chắn không nên bỏ lỡ địa điểm này !
II. CHÚ GÀ TRỐNG GÔ-LOA
Nếu ai theo dõi đội tuyển bóng đá quốc gia Pháp thường xuyên thì chắc hẳn sẽ không xa lạ với hình ảnh chú gà trống xuất hiện trên khán đài hay hay trong trận đấu của đội. “Những chú gà trống Gô-loa” chính là tên gọi dùng cho những chiến binh trên sân cỏ của nước Pháp. Đây chính là một trong những biểu tượng văn hoá nổi tiếng nhất của đất nước này.
Thời trung cổ, Gô-loa được người Pháp xem như một biểu tượng liên quan đến tôn giáo hơn là văn hoá, để thể hiện niềm hy vọng và đức tin. Hình ảnh của những chú gà trống thường xuất hiện trên các tháp chuông nhà thờ, tháp canh ở khu vực. Vào thời kỳ Phục Hưng, người dân nước này còn chế tác các bản chạm khắc và đồng tiền theo hình ảnh gà trống, nó được xem như biểu tượng gắn liền với sự hình thành của Cộng Hoà Pháp.
Đó là lý do vì sao Gô-loa nói riêng và gà trống nói chung đã trở thành con vật biểu trưng cho quốc gia này, thể hiển bản sắc quốc gia. Trên đồng tiền hay chiếc mũ đỏ của các chiến sĩ cách mạng Pháp, hình ảnh ẩn dụ của thần Bác ái với một cây gậy mang trên đầu một con gà trống. Nó cũng xuất hiện trên lá cờ trong cuộc Cách mạng Pháp. Trong thế chiến 2, Gô-loa còn tượng trưng cho sự kiên cường, dũng cảm của người dân đất nước hình lục lăng.
Những chú gà trống được người Pháp đánh giá là loài vật đúng giờ, luôn cảnh giác và dũng cảm, giống với tính cách của người dân nước này. Người Pháp luôn thích chơi chữ, và việc đặt tên cho chú gà trống Gô-loa cũng vậy: Những người “Gô-loa” (Gauiois) là tổ tiên của họ, trong tiếng Latinh viết là “Gallus”-có nghĩa là “gà trống”.
Hiện nay, tuy chú gà trống Gô-loa không còn được công nhận như 1 biểu tượng chính thức của Cộng hoà Pháp, nhưng nó không hề biến mất trong lòng người dân Pháp và thế giới, nó luôn xuất hiện với tư cách là một biểu tượng mang tính tinh thần người dân nơi đây, đặc biệt là trong thể thao.
Xem thêm
NÉT ĐẶC TRƯNG NỀN VĂN HOÁ PHÁP
NHỮNG VỞ NHẠC KỊCH NỔI TIẾNG CỦA PHÁP
III. QUỐC KỲ PHÁP
Ngoài chú gà trống Gô-loa, quốc kỳ cũng là một trong những nét đặc trưng nhất của nền văn hoá đất nước hình lục lăng. Từ xưa đến nay, quốc kỳ là một trong những biểu tượng đặc trưng của nhân vật lãnh đạo, của lãnh thổ hay đất nước. Hiện nay, ý nghĩa về mặt văn hoá của quốc kỳ rất to lớn, mỗi lá cờ tượng trưng cho những nét đặc sắc và mang một ý nghĩa riêng đối với mỗi quốc gia. Nó còn thể hiện niềm tự hào, lòng yêu nước cũng như sự biết ơn đối với tổ quốc của mình. Người Pháp cũng không phải ngoại lệ, họ luôn tự hào về quốc kỳ của mình và coi lá cờ đỏ, trắng, lam như một biểu tượng văn hoá không thể thiếu.
Quốc kỳ của nước Pháp xuất hiện lần đầu tiên trong Cuộc cách mạng nước Pháp năm 1789 ở cuộc bạo động phá ngục Bastille tại thủ đô Paris. Khi đó, quân lính với trang phục quân đội với chiếc mũ 3 màu lam – trắng – đỏ vô cùng nổi bật, lá cờ được thiết kế từ 3 màu chủ đạo này.
Cuộc cách mạng Pháp tại thủ đô Paris là cuộc chiến giữa nhân dân và hoàng gia pháp. Đây là cuộc đấu tranh mang ý nghĩa dân tộc rất cao. Không giống ý nghĩa phổ biến của các lá cờ khác, quốc kỳ Cộng hoà Pháp không biểu tượng cho một nhà lãnh đạo hay thể chế nhà nước nào cả mà chính là biểu tượng cho ý chí của nhân dân. Vì vậy người dân Pháp cực kỳ tự hào về lá cờ của mình, họ xem nó như một báu vật quốc gia với giá trị tinh thần rất lớn.
Ngoài ra, Pháp cũng lấy 3 khẩu hiệu là: Liberté – Égalité – Fraternité (Tự do – Bình đẳng – Bác ái). Nghĩa là, màu xanh tượng trưng cho màu hòa bình, sự tự do và hy vọng, màu trắng là màu trong sáng, công lý công bằng, màu đỏ là máu của những người ngã xuống để giữ đất nước, cũng là biểu trưng cho sự bác ái, yêu thương con người.
Quốc kì Pháp với 3 màu tinh tế, ý nghĩa lớn và đặc biệt phù hợp với lý tưởng của cả nhân loại, bởi vậy từ đó cờ Pháp được cả thế giới công nhận. Sau đó, một vài nước Châu Âu cũng lựa chọn 3 màu này làm quốc kỳ giống như của nước Pháp.
IV. NÀNG MARIANNE
Câu chuyện ngụ ngôn đầu tiên về Cộng hòa kể về hình ảnh của một người phụ nữ đội mũ Phrygian có từ thời Cách mạng Pháp: chiếc mũ này được đội bởi những nô lệ được trả tự do ở Hy Lạp và La Mã, được các thủy thủ và nô lệ bị tù đày ở Địa Trung Hải trân trọng, được tự hảo sử dụng bởi những người cách mạng từ miền Nam như một biểu tượng của sự tự do.
Marianne là một trong những cái tên phổ biến nhất của thế kỷ 18, nó được sử dụng để nhân cách hóa người dân, và đôi khi là cả nền Cộng hòa, là biểu tượng văn hoá của dân tộc Pháp. Về nguồn gốc tên Marianne, theo nhiều tư liệu, vào thế kỷ XVIII, Marie và Anne là hai tên gọi rất phổ biến của phụ nữ Pháp thuộc tầng lớp bình dân, và Marianne là tên ghép lại từ hai tên gọi bình dân Marie và Anne. Các nhà cách mạng cũng lấy Marianne làm biểu tượng cho « mẹ Tổ quốc », hình ảnh người mẹ chở che, nuôi dưỡng những người con của nền Cộng Hòa Pháp non trẻ.
Ban đầu, hình ảnh nàng Marianne được khắc hoạ giống như một người thiếu nữ ngực trần, một tay phất lá cờ ba màu xanh – trắng – đỏ, một tay cầm binh khí, đầu đội chiếc mũ Phrygian.
Dưới thời Đệ tam Cộng hòa, các bức tượng và đặc biệt là tượng bán thân của Marianne ngày càng nhiều, đặc biệt là ở các tòa thị chính, đôi khi bị tước bỏ chiếc mũ lưỡi trai Phrygian được cho là quá nổi loạn để thay thế bằng vương miện. Nàng Marianne nay là một trong những biểu tượng lớn cho nền văn hoá nước Pháp, ngoài tháp Eiffel, chú gà trống Gô-loa, hay lá cờ ba màu xanh – trắng – đỏ,..
V. XỨ SỞ PHÔ-MAI
Ngoài các nét văn hoá đặc trưng kể trên, ít người biết rằng Pháp còn được mệnh danh là xứ sở của Phomai. Theo The top tens, Pháp là được đánh giá hàng đầu trong việc sản xuất và tiêu thụ Phô-mai. Nét đặc trưng này xuất hiện ngày càng nhiều trong văn hoá Pháp.
Người Pháp có câu thành ngữ rằng “Un fromage par jour de l’année” (Mỗi loại phô-mai cho mỗi ngày trong năm). Phô-mai được đánh giá là món ăn không thể thiếu của nền ẩm thực Pháp, và có một lịch sử cũng rất lâu đời. Đối với người Pháp, họ dùng Phô mai như một món tráng miệng: Sau khi dùng món chính, người Pháp sẽ dùng phô-mai với bánh mì nướng cho thật vàng và thật giòn kèm theo đó là một ly rượu vang đỏ.
Phô mai Brie-loại Phô-mai đầu tiên của Pháp, lần đầu tiên được sản xuất vào thế kỷ thứ 7 và Roquefort là năm 1070. Trải qua rất nhiều thế kỉ, việc sản xuất phô-mai bằng những phương pháp truyền thống vẫn được giữ lại, dù có mai một đi chút nhiều. Từ các thầy tu thời Trung cổ đến các nhà sản xuất phô mai Pháp ngày nay, phô mai Pháp vẫn được làm ra bằng các quy trình và quá trình tương tự.
Người ta ước tính rằng Pháp có đến hơn 500 loại phô mai khác nhau. Có thể kể đến một vài loại như phô mai xanh vùng Roquefort trứ danh với mùi hương tuy khá nồng nhưng dễ gây nghiền, phô mai Saint – Nectaire lâu đời làm từ sữa bò tươi vùng Auvergne… Đặc biệt nhất là ông vua phô mai Pháp – Camembert.
Xem thêm :
TOP 5 THÀNH PHỐ DU HỌC TẠI PHÁP
TOP 10 MÓN ĂN NHẤT ĐỊNH PHẢI THỬ KHI ĐẾN PHÁP
NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT VỀ CÁC VÙNG CỦA PHÁP
Trên đây là một số những thông tin thú vị về top 5 biểu tượng đặc trưng của văn hoá Pháp mà Việt Pháp Á Âu muốn cung cấp cho các bạn. Nếu các bạn có nhu cầu du lịch hoặc du học Pháp hãy xem qua bài viết này để có thể hiểu hơn về đất nước và con người nơi đây. Mong rằng những thông tin này của Việt Pháp Á Âu hữu ích với các bạn và chúc các bạn có nhiều trải nghiệm thú vị.
Tuấn Anh – Tổng hợp
—————————————————————————————————————
Để được tư vấn về du học Pháp, xin học bổng du học Pháp và học tiếng Pháp, mời các bạn liên lạc với Việt Pháp Á Âu thông qua địa chỉ liên hệ sau:
CÔNG TY TƯ VẤN GIÁO DỤC VÀ PHÁT TRIỂN HỘI NHẬP VIỆT PHÁP Á ÂU
Hotline : 0983 102 258
Email : duhocvietphap@gmail.com
FanPage : www.facebook.com/duhocvietphapaau/
Địa chỉ : Phòng 1702, Tòa nhà A1, Đường Nguyễn Cơ Thạch, Mỹ Đình, Nam Từ Liêm, Hà Nội